BỘ XÂY DỰNG
STATE AUTHORITY OF CONSTRUCTION ECONOMICS
Thông tư số 14/2017/TT-BXD được Bộ Xây dựng ban hành năm 2017 để hướng dẫn xác định và quản lý chi phí dịch vụ công ích đô thị với phạm vi điều chỉnh gồm 03 lĩnh vực: (i) Thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đô thị; (ii) Duy trì hệ thống chiếu sáng đô thị; (iii) Duy trì, phát triển hệ thống cây xanh đô thị. Đến nay một số quy định tại Thông tư số 14/2017/TT-BXD đã không còn phù hợp với quy định pháp luật liên quan, một số nội dung cần thiết phải sửa đổi, bổ sung.
Ảnh minh họa, nguồn: internet
Bộ Xây dựng đã giao các cơ quan chuyên môn tổ chức xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 14/2017/TT-BXD, sau khi tiếp thu các góp ý của các bộ ngành, địa phương và các chủ thể có liên quan và qua nhiều lần hoàn thiện, dự thảo Thông tư hiện hành có một số nội dung mới gồm:
(1) Tên Thông tư được sửa đổi phù hợp với tên dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn chi thường xuyên (phù hợp với quy định của Nghị định số 32/2019/NĐ-CP – một trong những căn cứ để xây dựng Thông tư).
(2) Phạm vi điều chỉnh không còn lĩnh vực “Thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đô thị” do Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định số 52/2022/NĐ-CP không giao Bộ Xây dựng hướng dẫn việc xác định và quản lý chi phí lĩnh vực này.
(3) Quy định về quản lý định mức phù hợp với thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Xây dựng, UBND cấp tỉnh theo quy định của Nghị định số 52/2022/NĐ-CP, Nghị định số 32/2019/NĐ-CP và các pháp luật có liên quan.
Trong đó, không quy định về việc UBND cấp tỉnh phải lấy ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng đối với các định mức (được điều chỉnh hoặc chưa có trong hệ thống định mức do Bộ Xây dựng công bố), để phù hợp với trách nhiệm UBND cấp tỉnh trong việc tổ chức xây dựng để ban hành định mức KTKT đã được quy định tại khoản 2 Điều 26 Nghị định số 32/2019/NĐ-CP.
(4) Bổ sung các phương pháp xác định định mức, xác định giá ca máy; làm rõ nội dung chi phí quản lý, chi phí giám sát và hướng dẫn xác định đối với chi phí giám sát, chi phí quản lý cũng như các chi phí khác có liên quan đến quá trình quản lý dịch vụ sự nghiệp công.
Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã công bố các tập định mức cho một số dịch vụ hạ tầng kỹ thuật thuộc chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng để các tổ chức, cá nhân có liên quan tham khảo, sử dụng vào việc lập và quản lý chi phí. Qua số liệu tổng hợp từ các địa phương cho thấy đa số các địa phương vẫn đang sử dụng các bộ định mức dự toán lĩnh vực dịch vụ cây xanh, chiếu sáng do Bộ Xây dựng công bố để làm cơ sở xác định đơn giá, giá sản phẩm dịch vụ công; chỉ có khoảng 13/63 địa phương ban hành bộ định mức áp dụng riêng và 10/63 địa phương ban hành định mức bổ sung thêm so với các định mức Bộ Xây dựng đã công bố.
Nội dung dự thảo Thông tư (phiên bản tháng 8/2023) gửi lấy ý kiến các địa phương, các tổ chức, cá nhân không có nội dung liên quan đến việc công bố định mức kinh tế kỹ thuật của Bộ Xây dựng như tại Thông tư 14/2017/TT-BXD. Vì vậy, một số địa phương đã đề nghị bổ sung nội dung Bộ Xây dựng ban hành định mức KT-KT đối với dịch vụ cây xanh, chiếu sáng để áp dụng thống nhất trên cả nước.
Qua nghiên cứu ý kiến góp ý của các địa phương, ý kiến của các Bộ, ngành, rà soát các quy định pháp luật có liên quan và khảo sát thực tiễn, Cục Kinh tế xây dựng - đơn vị chủ trì dự thảo Thông tư và các cơ quan chuyên môn của Bộ đã phân tích sự cần thiết và làm rõ trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc công bố định mức để thực hiện các biện pháp quản lý nhà nước theo quy định tại Nghị định 52/2022/NĐ-CP và thuận tiện cho các địa phương trong triển khai thực hiện. Do đó, tại Điều 6 dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 14 (từ phiên bản Dự thảo tháng 11/2023) đã bổ sung nội dung “Định mức do Bộ Xây dựng công bố là cơ sở để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tham khảo trong quá trình tổ chức xác định, ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật áp dụng đối với dịch vụ sự nghiệp công thuộc phạm vi quản lý”.
Việc sửa đổi, hoàn thiện dự thảo Thông tư như nêu trên để đảm bảo tính ổn định, liên tục trong tổ chức thực hiện duy trì dịch vụ sự nghiệp công chiếu sáng đô thị, cây xanh đô thị tại các địa phương và vẫn đảm bảo phù hợp với trách nhiệm của Bộ Xây dựng, của UBND cấp tỉnh quy định tại khoản 1, 2 Điều 26 Nghị định 32.
Từ ngày 01/7/2024, Luật Giá 2023 bắt đầu có hiệu lực thi hành, trong đó có nhiều quy định liên quan đến trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc hướng dẫn phương pháp định giá đối với các sản phẩm dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý; và các nội dung liên quan đến các văn bản hướng dẫn Luật. Theo sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Xây dựng, Cục Kinh tế xây dựng đang làm việc với Bộ Tài chính để rà soát tính pháp lý của Nghị định số 32/2019/NĐ-CP sau ngày Luật Giá có hiệu lực (01/7/2024); và về thẩm quyền ban hành Thông tư, đảm bảo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Xây dựng, các quy định của pháp luật làm căn cứ ban hành Thông tư.
Dự thảo Thông tư có thể download tại đây: Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 14/2017/TT-BXD.
Cục KTXD