BỘ XÂY DỰNG
STATE AUTHORITY OF CONSTRUCTION ECONOMICS
Với lợi thế là một tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền trung, có sân bay quốc tế Phú Bài, cảng nước sâu Chân Mây, khu di sản văn hóa thế giới..., Thừa Thiên Huế có nhiều tiềm năng và cơ hội về thu hút đầu tư. Năm 2020, địa phương gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội (KTXH), trong đó một số nguồn thu gặp khó. Tuy nhiên, tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, bao gồm cả thu hút đầu tư vào các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp với mục tiêu sẽ thu hút nhiều dự án trọng điểm; huy động mọi điều kiện thuận lợi, cải thiện môi trường để thu hút các nhà đầu tư (NĐT).
Thừa Thiên Huế thu hút các dự án du lịch cao cấp đầu tư vào khu vực ven biển.
Sức hút từ Chân Mây - Lăng Cô
KKT Chân Mây - Lăng Cô (huyện Phú Lộc) được đánh giá là điểm tựa phát triển công nghiệp và dịch vụ tại tỉnh Thừa Thiên Huế và hiện tỉnh đang nỗ lực thực hiện các giải pháp để thu hút đầu tư vào KKT này. Theo Ban quản lý khu kinh tế, công nghiệp (KKT-CN) tỉnh Thừa Thiên Huế, từ một vài dự án kinh doanh dịch vụ du lịch, công nghiệp và cảng biển ban đầu, đến nay, tại các KKT-CN tỉnh có 148 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 102.696 tỷ đồng; trong đó, KKT Chân Mây - Lăng Cô đã thu hút 46 dự án với tổng vốn đăng ký 79.017 tỷ đồng. Lũy kế vốn đầu tư thực hiện của các dự án đến nay ước đạt khoảng 29.386 tỷ đồng (đạt 29,3% tổng vốn đăng ký đầu tư); trong đó, có 93 dự án đang hoạt động (chiếm tỷ lệ 63,2%), 34 dự án đang triển khai thực hiện (chiếm tỷ lệ 22,4%). Trong năm 2019, vốn đầu tư thực hiện ước đạt 3.041 tỷ đồng (đạt 60,8% kế hoạch).
Trưởng ban Quản lý KKT-CN tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Văn Tuệ cho biết, sau khi hoàn thành dự án nhà máy xử lý nước thải công suất 5.000 m3/ngày đêm và đầu tư hạ tầng giao thông đô thị, KKT Chân Mây - Lăng Cô tiếp tục đón thêm nhiều dự án trên các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, công nghiệp. Một trong những dự án đang được triển khai tích cực là dự án Khu du lịch quốc tế Minh Viễn Lăng Cô (tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) đang khẩn trương thi công để kịp hoàn thành, đưa vào hoạt động giai đoạn 1 vào cuối năm 2020. Đây là dự án kinh doanh dịch vụ du lịch tiêu chuẩn 5 sao, vốn đầu tư 7.700 tỷ đồng, diện tích 100 ha, quy mô xây dựng gồm khách sạn 1.000 phòng, trung tâm hội nghị, biệt thự nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, dự án nhà máy đồ chơi trẻ em Billion Max Việt Nam (giai đoạn 1) tại Khu công nghiệp và Khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây (thuộc KKT Chân Mây - Lăng Cô) chính thức đi vào sản xuất đầu năm 2020 để cung ứng sản phẩm cho thị trường.
Ngoài các dự án du lịch lớn, nhiều dự án trọng điểm đang được đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành vào cuối năm 2020, đó là dự án Bến số 2 và Bến số 3 cảng Chân Mây, các dự án hạ tầng KKT. Dự án tổ hợp nhà máy sản xuất, lắp ráp ô-tô của Công ty cổ phần Công nghiệp chế tạo ô-tô Bách Việt với diện tích 50 ha, tổng vốn đầu tư 2.655 tỷ đồng, dự kiến khởi công trong tháng 7-2020 và hoàn thành vào quý IV-2024. Các dự án này khi đưa vào hoạt động sẽ góp phần đưa cảng Chân Mây trở thành một trong những cảng biển nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2030.
Gắn kết giữa chính quyền và doanh nghiệp FDI
Những năm trở lại đây, Thừa Thiên Huế đã vươn lên là một trong 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI với nhiều dự án hàng tỷ USD. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, các dự án FDI tại Thừa Thiên Huế thời gian qua đã thu hút vốn lớn, công nghệ và quản lý hiện đại, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động. Đến nay, tỉnh đã thu hút 110 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,82 tỷ USD. Hiện nay, có 76 dự án đã đi vào hoạt động, chín dự án đang triển khai xây dựng, 25 dự án đang tạm dừng hoạt động và chưa triển khai. Một số dự án lớn trên địa bàn tỉnh đang triển khai có hiệu quả, giải quyết việc làm và đóng góp lớn cho nguồn thu ngân sách của tỉnh như: dự án sản xuất bia của Công ty TNHH Bia Carlsberg Việt Nam (Đan Mạch); dự án sản xuất xi-măng của Công ty Luks Việt Nam (Hồng Công - Trung Quốc); dự án Khu du lịch Laguna Lăng Cô (Xin-ga-po); các dự án dệt may lớn: Scavi (Pháp), HBI (Mỹ), MSV (Nhật Bản), Takson-Hanex (Hàn Quốc); dự án nuôi tôm công nghiệp bằng công nghệ Greenhouse của Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam… Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thừa Thiên Huế, Nguyễn Đại Vui cho rằng, tỉnh đã trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nhiều lĩnh vực khác nhau với những sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao vị thế của tỉnh ở trong nước và quốc tế. Đáng chú ý, dự án Laguna Lăng Cô đã tăng vốn đầu tư từ 875 triệu USD lên hai tỷ USD. Năm 2019, doanh nghiệp này đóng góp cho ngân sách tỉnh 1,9 triệu USD, giải quyết việc làm cho 1.110 lao động. Hiện tại, công ty này đã đưa vào khai thác sử dụng giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư gần 300 triệu USD.
Từ năm 2019 đến nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp mới cho bảy dự án đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký hơn 62 triệu USD. Riêng những tháng đầu năm 2020, mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng có nhiều NĐT quan tâm tìm hiểu đầu tư trên địa bàn tỉnh. Để có được kết quả nêu trên, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã quan tâm việc xúc tiến và hỗ trợ FDI; nhất là ban hành nhiều chính sách thu hút đầu tư, tập trung cải thiện các thủ tục hành chính, minh bạch hóa môi trường đầu tư, kinh doanh và tạo điều kiện tốt nhất cho các NĐT nước ngoài nghiên cứu và triển khai dự án trên địa bàn. Tỉnh đang tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các bất cập, vướng mắc về vốn và các dịch vụ tài chính ngân hàng; đồng thời tạo sự gắn kết hơn nữa giữa chính quyền và doanh nghiệp FDI trên địa bàn. Điều này nhằm giúp các doanh nghiệp có nhiều góc nhìn về tiềm năng phát triển tại địa phương, qua đó cùng hợp tác tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh và phát triển.
Thu hút đầu tư để phát triển bền vững
Trong năm 2019, Thừa Thiên Huế có 39 dự án được cấp phép với tổng mức đầu tư hơn 22,1 nghìn tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với kế hoạch đề ra. Nhiều NĐT lớn vào nghiên cứu cơ hội đầu tư như Vingroup, Sun Group, Công ty cổ phần SOVICO, Tập đoàn FLC, Vietravel, Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest, Tập đoàn Hoàng Gia Hội An... Năm 2020 này, Thừa Thiên Huế phấn đấu thu hút 20 dự án của các NĐT trong và ngoài nước với tổng vốn khoảng 10 nghìn tỷ đồng (tương đương 400 triệu USD). Hiện trên địa bàn các KKT-CN có gần 200 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Số lượng NĐT và đối tác nước ngoài đến tìm hiểu đầu tư vào địa bàn KKT-CN ngày càng tăng, Ban quản lý KKT-CN tỉnh đã tiếp xúc với các NĐT chiến lược, có năng lực tài chính để đầu tư các dự án có quy mô lớn, tạo động lực để phát triển. Đồng thời, tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng và tích cực hỗ trợ các NĐT giải quyết nhanh thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai để đẩy nhanh tiến độ các dự án.
Ngày 10-12-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đến năm 2030, Thừa Thiên Huế sẽ là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông - Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Đến năm 2045, là thành phố festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á. Từ mục tiêu định hướng lớn này, tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung mọi nguồn lực để phấn đấu đạt mục tiêu sớm trở thành thành phố đặc thù trực thuộc T.Ư vào năm 2025 với mục tiêu phát triển kinh tế đến năm 2030 có thể GRDP đạt từ 7,5 đến 8,25%, GRDP bình quân đầu người từ 5.800 đến 7.000 USD.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Phan Ngọc Thọ cho biết, định hướng phát triển du lịch, dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, bảo đảm mục tiêu đề ra trong giai đoạn mới 2021-2025, năm 2020 và các năm tới vẫn tiếp tục rà soát, tìm kiếm các quỹ đất phù hợp để phát triển du lịch - dịch vụ. Để thu hút nhiều khách du lịch đến địa phương, bên cạnh các dự án phát triển các khu du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng, cần phải đa dạng hóa các loại hình dịch vụ - du lịch và cần hướng đến đa dạng các nhóm khách. Do đó, công tác xúc tiến đầu tư luôn nghiên cứu, xây dựng các mô hình phát triển du lịch cụ thể theo nhóm dự án thúc đẩy ngành kinh tế ban đêm.
Năm 2020 được xác định là năm nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng gặp nhiều khó khăn bởi dịch Covid-19. Tại Thừa Thiên Huế, các phương án xúc tiến đầu tư đề xuất trong năm được thay đổi, điều chỉnh để thích ứng thực tế. Trong đó, tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, rà soát thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng cho các dự án đã được cấp phép; hỗ trợ NĐT triển khai giải ngân để đẩy mạnh tiến độ thực hiện dự án, ổn định thị trường đầu tư tại chỗ, sớm khởi công các dự án là việc làm quan trọng nhất. Tỉnh phấn đấu mỗi tháng khởi công một dự án, rà soát các dự án chậm tiến độ để có phương án thu hồi, xử lý dứt điểm. Hiện tỉnh đang đẩy mạnh kêu gọi NĐT trong và ngoài nước trên tất cả các lĩnh vực; sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp; du lịch, dịch vụ du lịch, bất động sản; hạ tầng các khu công nghiệp, KKT, khu phi thuế quan; công nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo, công nghiệp lắp ráp; kêu gọi đầu tư cho các ngành có ý nghĩa về an sinh xã hội, giáo dục đào tạo; công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và các ngành công nghiệp phụ trợ khác.
Thừa Thiên Huế xác định việc đón đầu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là ưu tiên hàng đầu. Theo đó, sẽ tập trung đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực liên quan như công nghệ thông tin, công nghiệp văn hóa khai thác các giá trị văn hóa, di sản của cố đô Huế, công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vật liệu mới, công nghệ sinh học và một số ngành liên quan khác phù hợp định hướng phát triển. Trong các lĩnh vực nêu trên, tỉnh sẽ ưu tiên tập trung phát triển vào KKT Chân Mây - Lăng Cô: phát triển cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng để thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển; kêu gọi đầu tư vào các khu đô thị Chân Mây để tạo động lực phát triển.
“Trước mắt, tỉnh sẽ tiến hành nghiên cứu, phân tích, đánh giá nhu cầu thị trường, xu thế đầu tư trong nước và quốc tế để xây dựng các kịch bản xúc tiến đầu tư và định hình các sản phẩm xúc tiến đầu tư phù hợp. Tăng cường công tác xúc tiến quảng bá đầu tư bằng nhiều hình thức, trong đó tập trung nguồn lực thực hiện các hoạt động quảng bá, tuyên truyền trên các kênh truyền thông. Thực hiện chiến dịch, quảng bá thông điệp “Huế là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn trong các hành trình sắp đến của du khách”; là địa phương đã và đang chủ động kiểm soát tốt những tác động của dịch Covid-19”, đồng chí Phan Ngọc Thọ cho biết.