Chức năng nhiệm vụ
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA CỤC KINH TẾ XÂY DỰNG
(Trích Quyết định số 1162/QĐ-BXD ngày 01/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng)
I .Vị trí và chức năng
Cục Kinh tế xây dựng là tổ chức thuộc Bộ Xây dựng, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và thực thi pháp luật đối với lĩnh vực kinh tế xây dựng, kinh tế đô thị và lĩnh vực kinh tế khác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ.
Cục Kinh tế xây dựng có tư cách pháp nhân, có con dấu để giao dịch, được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật.
II. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Về xây dựng và hướng dẫn, kiểm tra thực hiện cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật
a) Chủ trì xây dựng các chiến lược, đề án, chương trình, kế hoạch phát triển về kinh tế trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng để Bộ trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và tổ chức, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện theo sự phân công của Bộ trưởng;
b) Chủ trì xây dựng để Bộ trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế, định mức, giá xây dựng, chi phí thực hiện các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; hướng dẫn, phổ biến, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện trên phạm vi cả nước;
c) Theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp, đánh giá và báo cáo tình hình thực hiện các cơ chế chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật về kinh tế và quản lý chi phí thực hiện các dịch vụ công trong các lĩnh vực, phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng;
d) Phối hợp với với các đơn vị liên quan để trình Bộ ban hành quy định về việc cấp chứng chỉ định giá xây dựng, chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ định giá xây dựng và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện.
2. Về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình
a) Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành, các quy định về lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng (gồm: chi phí chuẩn bị đầu tư, sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng, tổng mức đầu tư xây dựng, dự toán xây dựng, dự toán gói thầu), chi phí bảo trì công trình xây dựng; các giải pháp quản lý, kiểm soát chi phí đầu tư xây dựng công trình; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện sau khi ban hành;
b) Xây dựng, trình Bộ trưởng ban hành các phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật và đo bóc khối lượng công trình gồm: Suất vốn đầu tư xây dựng; chỉ số giá xây dựng; đơn giá nhân công xây dựng; giá ca máy và thiết bị thi công; chi phí thuê tư vấn nước ngoài; đo bóc khối lượng công trình; quy đổi vốn đầu tư xây dựng; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện sau khi ban hành;
c) Xây dựng, trình Bộ trưởng ban hành các quy định, phương pháp hướng dẫn thực hiện về xác định định mức mới, điều chỉnh định mức, công tác rà soát, cập nhật định mức xây dựng. Chủ trì lập kế hoạch, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác rà soát, cập nhật hệ thống định mức xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của Bộ trưởng;
d) Trình Bộ hướng dẫn và có ý kiến đối với các định mức dự toán đổi với các công tác xây dựng đặc thù của chuyên ngành, của địa phương; định mức dự toán mới, định mức dự toán điều chỉnh để áp dụng cho công trình (trong trường hợp chủ đầu tư có yêu cầu); chỉ số giá xây dựng công trình trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên theo quy định.
3. Tổ chức thẩm định sơ bộ tổng mức đầu tư, tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng của các công trình, dự án theo sự phân công của Lãnh đạo Bộ; rà soát, đánh giá về hồ sơ rà soát, cập nhật, xây dựng định mức xây dựng, suất vốn đầu tư xây dựng, chỉ số giá xây dựng quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí thuộc các lĩnh vực quy hoạch, phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật, nhà ở trước khi trình Bộ công bố hoặc ban hành.
4. Về quản lý hợp đồng xây dựng
a) Xây dựng, trình để Bộ trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các quy định của pháp luật về hợp đồng xây dựng. Trình Bộ trưởng công bố mẫu hợp đồng xây dựng;
b) Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về hợp đồng xây dựng; hợp đồng dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (gọi tắt là dự án PPP) theo quy định của pháp luật; hướng dẫn phương pháp điều chỉnh hợp đồng xây dựng và các nội dung cần thiết khác để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hợp đồng xây dựng.
5. Hướng dẫn, kiểm tra công tác đấu thầu trong hoạt động xây dựng theo quy định của Luật Xây dựng và pháp luật về đấu thầu.
6. Hướng dẫn việc áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng.
7. Xây dựng, trình Bộ ban hành theo thẩm quyền các quy định về lập và quản lý chi phí quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị, dịch vụ hạ tầng kỹ thuật trong đô thị, dịch vụ đô thị, nhà ở gồm:
a) Các định mức, đơn giá, phương pháp lập và quản lý chi phí trong việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng, thiết kế đô thị, quy chế quản lý kiến trúc;
b) Hướng dẫn lập và quản lý chi phí các dịch vụ tiện ích trong khu đô thị, chi phí lập và thẩm định khu vực phát triển đô thị, chương trình phát triển đô thị, đề án, báo cáo phân loại đô thị;
c) Hướng dẫn lập và quản lý chi phí, xác định giá dịch vụ hạ tầng kỹ thuật;
d) Hướng dẫn lập và quản lý định mức, chi phí để xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà của địa phương; phương pháp xác định giá thuê nhà ở công vụ, giá bán, giá thuê, giá thuê mua nhà ở xã hội; phương pháp xác định chi phí dịch vụ quản lý vận hành nhà ở.
8. Đầu mối, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các cơ chế chính sách về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) thuộc chức năng quản lý của Bộ Xây dựng.
9. Tổ chức thu thập, số hóa các thông tin, cơ sở dữ liệu về định mức, giá xây dựng; xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về định mức xây dựng, giá xây dựng công trình và chỉ số giá xây dựng theo quy định pháp luật.
10. Tổ chức thực hiện các dịch vụ, hoạt động tư vấn liên quan đến lập và quản lý chi phí, định mức và giá xây dựng; hợp đồng xây dựng, các hoạt động đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý kinh tế trong các lĩnh vực, phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng; các nhiệm vụ sự nghiệp kinh tế, nghiên cứu khoa học được Bộ trưởng giao.
11. Quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế; thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ chính sách khác; công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của Cục theo quy định của pháp luật và của Bộ Xây dựng.
12. Quản lý tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện ngân sách nhà nước được phân bổ, thực hiện quản lý các hoạt động có thu theo quy định của pháp luật và của Bộ Xây dựng.
13. Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng được quyền:
a) Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ và các địa phương cung cấp những số liệu, tài liệu cần thiết phục vụ cho việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Cục;
b) Ký một số văn bản hành chính, văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ nhân danh Cục trưởng và sử dụng con dấu của Cục theo quy định pháp luật;
c) Được Bộ trưởng uỷ quyền ký một số văn bản về các lĩnh vực công tác của Cục theo quy định tại Quy chế làm việc của cơ quan Bộ Xây dựng.
14. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng giao.
III. Cơ cấu tổ chức
1. Các đơn vị trực thuộc:
a) Văn phòng;
b) Phòng Định mức và đơn giá;
c) Phòng Kinh tế đầu tư và hợp đồng xây dựng;
d) Trung tâm tư vấn Kinh tế xây dựng.
Trung tâm tư vấn Kinh tế xây dựng là đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Cục, được khắc con dấu theo mẫu quy định để giao dịch, được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và ngân hàng theo sự uỷ quyền, phân cấp quản lý tài chính kế toán của Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng và các quy định của pháp luật khác có liên quan.
Các đơn vị trực thuộc Cục có cấp trưởng, một số cấp phó và các công chức, viên chức chuyên môn nghiệp vụ.
Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể và bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh cấp trưởng, cấp phó các đơn vị trực thuộc Cục Kinh tế xây dựng do Bộ trưởng quyết định theo đề nghị của Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.
2. Lãnh đạo Cục
a) Cục Kinh tế xây dựng có Cục trưởng và các Phó cục trưởng;
b) Cục trưởng và Phó cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước;
c) Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Cục Kinh tế xây dựng, Cục trưởng có trách nhiệm lập kế hoạch công tác cho từng giai đoạn, xác định nhu cầu biên chế; xây dựng và ban hành quy chế làm việc của Cục; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi đơn vị, cá nhân trong Cục và báo cáo Bộ trưởng;
d) Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và pháp luật về toàn bộ hoạt động của Cục; Phó cục trưởng chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công.
Tin tức mới
Đăng ký nhận tin
Liên kết trang
Thống kê truy cập
- Đang truy cập66819
- Tổng số lượt truy cập8531300