Công bố Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình
- 13/11/2019 - 15:38
- Lượt xem: 4085
- In bài viết
- Cỡ chữ: A+ A-
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 1486/QĐ-TTg ngày 28/10/2019 về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Khu kinh tế biển Thái Bình có tính chất là một khu kinh tế tổng hợp đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng Duyên hải Bắc Bộ; là một trung tâm kinh tế biển, đa ngành, đa lĩnh vực của vùng Duyên hải Bắc Bộ và của cả nước, bao gồm: Kinh tế hàng hải, trung tâm công nghiệp, năng lượng, thương mại – dịch vụ, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, thủy sản; là khu kinh tế với cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội hiện đại, đồng bộ gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, bảo đảm an ninh quốc phòng.
Đồng thời, xây dựng và phát triển Khu kinh tế Thái Bình để trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, địa bàn có tính đột phá của tỉnh Thái Bình; ưu tiên phát triển các ngành Công nghiệp tận dụng được lợi thế, tiềm năng của khu vực về nguồn khí thiên nhiên và nguồn nguyên liệu, liên kết với các khu kinh tế, khu công nghiệp đã phát triển trong vùng Đồng bằng sông Hồng; kết hợp phát triển các ngành Nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản ở những khu vực có chất lượng đất tốt, nguồn lợi thủy sản phong phú; phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch phù hợp với tiềm năng và nhu cầu của khu vực.
Bên cạnh đó, mục tiêu của Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 còn làm cơ sở pháp lý để triển khai quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng, các dự án đầu tư xây dựng trong Khu kinh tế.
Định hướng phát triển không gian của Khu kinh tế Thái Bình gồm có: Tổ chức các khu chức năng trong Khu kinh tế với Trung tâm điện lực Thái Bình (Trung tâm nhiệt điện Thái Bình, khu điện gió), các Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, Khu công nghiệp và Cụm công nghiệp, các đô thị, các khu du lịch và dịch vụ tập trung, các Khu dân cư nông thôn và nông nghiệp tập trung.
Định hướng kiến trúc, cảnh quan với vùng cảnh quan ven biển, vùng cảnh quan dọc các tuyến sông, vùng cảnh quan thị trấn Diêm Điền mở rộng, vùng cảnh quan Khu du lịch Cồn Thủ, Cồn Vành, vùng cảnh quan thị trấn Tiền Hải mở rộng và đô thị Đông Minh, vùng cảnh quan đô thị Thụy Trường, Nam Phú, vùng cảnh quan các khu công nghiệp.
Đặc biệt, định hướng phát triển giao thông đường biển đã xác định đầu tư xây dựng cảng biển Thái Bình đủ năng lực tiếp nhận tàu biển có trọng tải lớn đến 50.000 DWT (phía biển), 5.000 DWT (phía trong sông) đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa phục vụ quá trình hình thành và phát triển Khu kinh tế Thái Bình.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà ghi nhận, biểu dương tinh thần làm việc của các đồng chí lãnh đạo, các Sở, ban, ngành tỉnh Thái Bình đã quan tâm, có nhiều cố gắng trong việc đảm bảo chất lượng của quy hoạch sau khi được các bộ góp ý đã hoàn thiện và đạt chất lượng cao.
Thái Bình là vùng đất địa linh nhân kiệt, trong những năm qua Thái Bình đã có những bước phát triển toàn diện, liên tục và có những dấu ấn hết sức quan trọng. Việc xây dựng Khu kinh tế Thái Bình tạo sự phát triển lãnh thổ với diện tích lớn và tầm nhìn rất dài, đa mục tiêu. Với ý nghĩa này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng tin tưởng rằng nếu Thái Bình thực hiện thành công sẽ tạo ra bước phát triển rất mới, chiến lược rất cao cho Thái Bình trong những năm tới.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh: “Khâu tổ chức thực hiện mới là quan trọng, vì vậy rất mong các đồng chí đảm bảo thực hiện nghiêm túc quy hoạch được duyệt; giữ vững tính kỷ luật trong việc thực hiện, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong phát triển cũng như dự kiến đầu tư xây dựng hạ tầng Khu kinh tế. Rất tin tưởng rằng với điều kiện thuận lợi của khu vực, với sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, sự đồng thuận của nhân dân chắc chắn khu vực này sẽ phát triển, chúng ta sớm chứng kiến một khu kinh tế, một khu vực lãnh thổ phát triển hết sức năng động và trật tự”.
Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bình Nguyễn Hồng Diên chia sẻ: Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu mốc son trong lộ trình xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, Khu kinh tế thứ 17 trong hệ thống Khu kinh tế quốc gia; Tạo nguồn lực phát triển kinh tế không chỉ tỉnh Thái Bình mà còn các tỉnh trong khu vực.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, ngay sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập Khu kinh tế Thái Bình, Ban thường vụ Thành ủy đã thành lập Ban chỉ đạo và ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng, phát triển Khu kinh tế. Đồng thời tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ công tác lập, đề xuất quy hoạch chung xây dựng cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào khu kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Việc thành lập Khu kinh tế Thái Bình là mong ước của đảng bộ và nhân dân Thái Bình nhiều năm qua đến nay đã trở thành hiện thực; là thời cơ và điều kiện thuận lợi để khai thác phát huy hiệu quả những tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế của khu vực ven biển.
Để Khu kinh tế Thái Bình sớm được triển khai, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình đề nghị cấp ủy, chính quyền, các ban ngành địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ như: Ban quản lý Khu kinh tế, khu công nghiệp của tỉnh khẩn trương phối hợp với các sở, ban ngành các đơn vị liên quan tổ chức niêm yết công khai các bản vẽ kỹ thuật đồ án quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, đặc biệt là 2 huyện Tiền Hải, Thái Thụy và 30 xã, 01 thị trấn thuộc Khu kinh tế.
Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của khu kinh tế và định hướng phát triển của khu kinh tế Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để các nhân dân trong tỉnh đồng tình ủng hộ, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước biết, tìm hiểu góp phần thu hút đầu tư.
Khu Kinh tế Thái Bình bao gồm 30 xã và 01 thị trấn thuộc 02 huyện ven biển là Thái Thụy và Tiền Hải. Mục tiêu của Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 là khai thác tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí trong việc kết nối kinh tế, thương mại, dịch vụ với các địa bàn lân cận, phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị của hệ sinh thái biển, di tích lịch sử, văn hóa trong khu vực.
Theo báo Xây dựng
Tin tức mới
Đăng ký nhận tin
Liên kết trang
Thống kê truy cập
- Đang truy cập22529
- Tổng số lượt truy cập22215899