Nghiên cứu giải pháp kết cấu lắp ghép sử dụng bê tông tính năng cao cho công trình xây dựng trên đảo



Toàn cảnh họp Hội đồng nghiệm thu

Tại cuộc họp, chủ nhiệm đề tài, TS. Lê Minh Long – Phó Viện trưởng IBST cho biết, việc xây dựng các công trình trên đảo mang tính đặc thù riêng và gặp nhiều khó khăn trong công tác vận chuyển, sản xuất vật liệu, lắp ghép cấu kiện cho đến hoàn thiện và bảo trì. Ngoài ra, do tác động âm thực của môi trường trên đảo rất cao làm cho các kết cấu bị ăn mòn nhanh nên việc lựa chọn vật liệu thích hợp với đặc thù khí hậu này cũng là vấn đề cần quan tâm đặc biệt. Cho đến nay việc nghiên cứu đồng bộ từ khảo sát, nghiên cứu về vật liệu, kết cấu, thi công, nghiệm thu, bảo trì đối với công trình xây dựng trên đảo còn rất hạn chế. Qua đó, có thể thấy tính cấp thiết của đề tài “Nghiên cứu giải pháp kết cấu lắp ghép sử dụng bê tông tính năng cao cho công trình xây dựng trên đảo” nhằm nghiên cứu các vật liệu và giải pháp kết cấu, công nghệ thi công đảm bảo khả năng chịu lực, tăng độ bền lâu, giảm chi phí bảo trì, phù hợp với điều kiện vận chuyển, thi công cho các công trình xây dựng trên đảo.

Qua báo cáo tổng kết cho thấy đề tài đã đạt được những kết quả chính như sau: Đề tài đã thực hiện việc khảo sát thực trạng xây dựng trên đảo ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam bao gồm cả đảo gần và đảo xa để thu thập các thông tin cần thiết cho việc nghiên cứu của đề tài, như: quy mô xây dựng, vật liệu sử dụng, điều kiện vận chuyển, điều kiện thi công, thực trạng ăn mòn,…Nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài đã thực hiện khối lượng lớn nghiên cứu về vật liệu tiên tiến trong đó có bê tông tính năng cao, giải pháp kết cấu, thi công lắp dựng, nghiệm thu, bảo trì đối với công trình xây dựng trên đảo; Đã có nghiên cứu cụ thể về các tiêu chuẩn, quy trình thiết kế và đưa ra đề xuất áp dụng các tiêu chuẩn vật liệu, thiết kế kết cấu, hướng dẫn, chỉ dẫn kỹ thuật, nghiệm thu,…cho kết cấu sử dụng vật liệu bê tông tính năng cao (UHPC). Đề tài cũng đã tính toán, thiết kế, chế tạo và thử nghiệm cho tất cả các loại cấu kiện chịu lực cần thiết cho công trình. Cùng với đó, đề tài đã xây dựng được hồ sơ thiết kế nhà mẫu có quy mô: 02 tầng, diện tích mỗi sàn khoảng 80m2 với đầy đủ các hạng mục về kiến trúc, kết cấu, điện-nước, giải pháp hoàn thiện và đã thi công được kết cấu nhà mẫu này tại Viện IBST. Kết quả đạt được của đề tài còn bao gồm chỉ dẫn sản xuất, thi công lắp dựng và nghiệm thu cho công trình xây dựng trên đảo sử dụng bê tông tính năng cao và giải pháp kết cấu lắp ghép và quy trình bảo trì đối với loại công trình này.

Theo báo cáo của IBST, kết quả nổi bật của đề tài là đã nghiên cứu và lựa chọn thành công vật liệu bê tông tiên tiến (bê tông cốt sợi thép phân tán tính năng siêu cao: UPHC) cho kết cấu công trình xây dựng phù hợp với môi trường biển đảo bao gồm: UHPC cho kết cấu chịu lực (cột, dầm, sàn tầng, sàn mái) và UHPC cho các cấu kiện đúc sẵn (bể chứa nước, bể phốt thành móng không cốt thép thanh); liên kết cho các mối nối khô, UHPC và vữa chèn để bảo vệ mối nối. Ngoài ra, thành công của đề tài nghiên cứu còn phải  kể đến các sản phẩm của đề tài đều áp dụng được vào thực tế, những mô đun nhà mẫu được nghiên cứu phù hợp với nhiều kiểu dáng kiến trúc và loại công trình có chức năng khác nhau, có thể tích hợp được với các thiết bị nội, ngoại thất có sẵn trên thị trường. Như vậy, những vật liệu, kết cấu đã lựa chọn sẽ nâng cao chất lượng và khả năng chống ăn mòn, tuổi thọ cho kết cấu. Hơn nữa, những vật liệu, kết cấu này phù hợp với thi công thủ công hoặc bán thủ công nhanh chóng. Từ đó, giảm được chi phí bảo trì, có giá thành hợp lý so với kết cấu bê tông cốt thép truyền thống – vốn không phù hợp với điều kiện xâm thực trên đảo.

Tại Hội đồng, TS. Lê Minh Long và TS. Trần Bá Việt đại diện cho nhóm nghiên cứu đã có phần giải trình, làm rõ một số nội dung vấn đề các thành viên Hội đồng đưa ra nhằm hoàn thiện đề tài.

Kết luận cuộc họp, PGS.TS. Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường đánh giá cao kết quả nghiên cứu khoa học của đề tài với sự nghiên cứu đầy đủ và cẩn thận lý thuyết, khảo sát thực tế và tiến hành thử nghiệm thành công công nghệ vật liệu tiên tiến, giải pháp kết cấu, vận chuyển, thi công, bảo trì cho công trình xây dựng trên đảo. Bên cạnh đó, PGS.TS. Vũ Ngọc Anh cũng nhấn mạnh đề tài mang ý nghĩa chính trị lớn trong vấn đề khẳng định chủ quyền biển đảo của đất nước, để người dân sinh sống trên biển đảo có một ngôi nhà vững chãi có thể yên tâm an cư lập nghiệp…

Đề tài “Nghiên cứu giải pháp kết cấu lắp ghép sử dụng bê tông tính năng cao cho công trình xây dựng trên đảo” đã được Hội đồng nghiệm thu, với kết quả đạt điểm Xuất sắc.

Ninh Hoàng Hạnh

 

*
*
*
Có 0 bình luận