Thẩm định nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng khi du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2040
- 23/06/2020 - 14:03
- Lượt xem: 3746
- In bài viết
- Cỡ chữ: A+ A-
Ngày 18/6, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đã chủ trì Hội nghị thẩm định Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn chủ trì Hội nghị thẩm định.
Khu du lịch quốc gia Mũi Né là một khu nghỉ dưỡng biển lý tưởng ở Duyên hải Nam Trung bộ với tổng diện tích khoảng 14.760ha. Khu du lịch nằm trên dải đất ven biển từ xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong đến hết ranh giới phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Mũi Né được biết đến với tài nguyên du lịch đặc sắc, có nhiều thắng cảnh, di sản văn hóa, ẩm thực và khí hậu độc đáo, thuận lợi du lịch cả 4 mùa. Với tiềm năng to lớn của mình, Mũi Né đã trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng nhất của Bình Thuận, chiếm xấp xỉ 90% lượng khách du lịch đến tỉnh Bình Thuận và là thương hiệu du lịch mang tầm quốc tế.
Nhưng bất chấp tiềm năng to lớn của mình, Mũi Né vẫn còn nhiều hạn chế trong việc khai thác phát triển du lịch như kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch còn thiếu và yếu; Sản phẩm du lịch còn đơn điệu; Cơ sở lưu trú phát triển nhiều nhưng quy mô nhỏ, chất lượng dịch vụ thấp; Môi trường tự nhiên, môi trường xã hội tiềm ẩn một số nguy cơ đối với việc phát triển du lịch bền vững...
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 1772/QĐ-TTg ngày 18/12/2018. Đây là cơ sở và động lực quan trọng để triển khai lập các quy hoạch, dự án thành phần phát huy giá trị Mũi Né, góp phần phát triển du lịch và kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Thuận với mục tiêu quan trọng đưa Mũi Né trở thành điểm đến quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Đức Hòa tiếp thu ý kiến của Hội đồng thẩm định.
Chính vì vậy, việc lập quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 là rất cần thiết và cấp bách để lập đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, chuẩn bị đầu tư cơ sở hạ tầng, và kêu gọi các nguồn lực đầu tư.
Mũi Né đặt mục tiêu 25 triệu khách vào năm 2040
Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né, tỉnh Bình Thuận đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 xác định, diện tích nghiên cứu lập quy hoạch nằm trên địa bàn thành phố Phan Thiết, huyện Tuy Phong và huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận. Tổng diện tích quy hoạch là 14.760ha theo đúng Quyết định số 1772/QĐ-TTg ngày 18/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Quang cảnh Hội nghị.
Dựa theo chức năng, khu du lịch Mũi Né được chia thành 3 phân khu du lịch, các trung tâm dịch vụ du lịch gắn với đô thị và các điểm du lịch quan trọng.Đây là khu du lịch quốc gia, tầm cỡ quốc tế với sản phẩm du lịch nổi bật là du lịch nghỉ dưỡng biển, thể thao biển, du lịch gắn với đặc trưng cảnh quan và địa hình “Cát”. Ngoài ra, Mũi Né cũng là trung tâm văn hóa, lễ hội gắn với các giá trị nổi bật về văn hóa lịch sử như văn hóa Chăm, văn hóa cộng đồng dân cư miền biển…
Về chỉ tiêu du lịch, quy hoạch chung dự báo, Mũi Né sẽ đón khoảng 9 triệu lượt khách vào năm 2025 và nhu cầu lưu trú khoảng 21.000 phòng. Đến năm 2040, chỉ tiêu du lịch tăng lên 25 triệu khách, 71.500 phòng và năm 2050 là 35 triệu khách, 107.000 phòng.
Về dân số, cả khu vực lập quy hoạch có 72.958 người vào năm 2019. Dự báo, con số này sẽ tăng lên khoảng 90.000 – 95.000 người vào năm 2025 và khoảng 140.000 – 160.000 người vào năm 2050.
Ngoài ra, Nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né cũng nêu ra chỉ tiêu sử dụng đất trong các khu chức năng du lịch, khu lưu trú, công trình dịch vụ, hạ tầng xã hội và đất dân dụng, đất ngoài dân dụng. Ngoài ra, các chỉ tiêu về giao thông, cấp nước, cấp điện và thoát nước thải, vệ sinh môi trường cũng được chỉ rõ theo từng giai đoạn.
Mũi Né chưa phát triển tương xứng với tiềm năng
Hội đồng thẩm định đánh giá, UBND tỉnh Bình Thuận và đơn vị tư vấn đã tiếp thu ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành và giải trình rõ ràng trong Nhiệm vụ lần này. Tuy nhiên, các thành viên Hội đồng thẩm định vẫn có một số góp ý để hoàn thiện Nhiệm vụ tốt hơn.
Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Mũi Né cần xác định rõ quan điểm phát triển, mục tiêu, tính chất, sản phẩm đặc thù và dự báo quy mô phát triển trong thời gian tới. Danh mục dự án đầu tư cũng phải được rà soát kỹ để dự kiến sát quy mô các nguồn lực từ Trung ương, địa phương và doanh nghiệp.
Bộ Tài chính kiến nghị UBND tỉnh Bình Thuận lưu ý nội dung địa phương chủ động nguồn vốn ngân sách địa phương cho việc phát triển hạ tầng theo Quyết định 1772/QĐ-TTg ngày 18/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch yêu cầu địa phương lập quy hoạch khu du lịch đúng tính chất trong Quyết định 1772/QĐ-TTg và lấy ý kiến của Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.
Bộ Công Thương đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận chú ý vấn đề khai thác sản phẩm du lịch văn hóa lịch sử, kết nối với các khu du lịch xung quanh và chú trọng phát triển hạ tầng thương mại.
Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng lưu ý vấn đề quy hoạch các khu vực khai thác khoáng sản titan, bổ sung quy hoạch vùng bờ biển, xem xét lại vấn đề lấn biển, chú trọng việc giữ gìn nguồn cấp nước từ hồ Bầu Trắng và rà soát lại chỉ tiêu phát triển quy mô dân số.
Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam kiến nghị tỉnh Bình Thuận quan tâm vấn đề quy hoạch không gian biển. Vụ Quy hoạch kiến trúc yêu cầu địa phương xem lại chỉ tiêu đất trong khu du lịch, tác động của nước biển dâng. Văn phòng Chính phủ lưu ý vấn đề lấn biển ảnh hưởng đến sự hấp dẫn của khu du lịch và quy hoạch như thế nào để đảm bảo an ninh quốc phòng.
Thay mặt địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Đức Hòa đã tiếp thu ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định, giải trình một số vấn đề và cam kết địa phương sẽ phối hợp với tư vấn để chỉnh sửa, hoàn thiện Nhiệm vụ.
Bản đồ ranh giới, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Né đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Cuối cùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đã tổng kết các ý kiến đóng góp của Hội đồng thẩm định và đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận quan tâm một số vấn đề chính.
Đó là bổ sung căn cứ pháp lý, đánh giá về hạ tầng, định hướng không gian phải gắn liền với sản phẩm du lịch, nội dung tầm nhìn đến năm 2050 và chiến lược phát triển để đạt được các mục tiêu đã đặt ra.
Địa phương cũng phải xem xét lại dự báo dân số, vấn đề khai thác đất đai, đảm bảo phạm vi ranh giới lập quy hoạch phù hợp với Quyết định 1772/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, quy hoạch khu du lịch không chồng chéo với các quy hoạch khác ở địa phương. Tỉnh Bình Thuận cũng nên có tiêu chí cụ thể để phê duyệt các dự án đầu tư vì Bình Thuận hiện nay có nhiều dự án, nhưng khả năng triển khai chậm.
Báo Xây dựng
Tin tức mới
Đăng ký nhận tin
Liên kết trang
Thống kê truy cập
- Đang truy cập15139
- Tổng số lượt truy cập22207355